Mã số thuế: 0313699481- số fax 08 62 51 87 88- Email: saenvietnam@gmail.com 

14/3  Đường Huỳnh Thị Mài, ấp Thới Tây 1, , Xã Tân Thới Hiệp, Huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.

Văn phòng giao dịch SAEN:  672 A 49 (lầu 2). Phan Văn Trị, Khu dân cư City Land Park Hills, P10, Quận Gò Vấp, TPHCM.

  • Tiếng Việt
  • Tiếng Anh
  • Tiếng Trung
  • Tiếng Pháp
  • Tây Nan Nha
  • Bồ Đào Nha

0975521254 0975621884

các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm giảm giá thành sản xuất

Ngày cập nhật: 06-02-2018 - Lượt xem: 2592

Giảm giá thành nuôi tôm là chiến lược hàng đầu của nghệ nuôi tôm thông qua các giải pháp công nghệ

THAM LUẬN

CÁC GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ GIẢM GIÁ THÀNH SẢN XUẤT TÔM NƯỚC LỢ Ở VIỆT NAM

           

 

  1. Giới thiệu

Hiện nay, diện tích nuôi tôm cả nước năm 2016 là 694.645 ha, trong đó tôm sú là 600.399 ha và tôm thẻ là 94.246 ha. Diện tích nuôi tôm ở các tỉnh ĐBSCL vào năm 2016 là 638.005 ha, có giảm diện tích 2,1% so với năm 2014 (651.267 ha). Nguyên nhân giảm diện tích nuôi là do các năm 2015 và 2016 bị ảnh hưởng của bệnh hoại tử gan tuỵ cấp tính và hiện tượng xâm nhập mặn. Diện tích nuôi tôm nước lợ tập trung ở 8 tỉnh ĐBSCL như bảng 1 với 638.005 ha (chiếm 91,95% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước, trong đó diện tích nuôi quảng canh /quảng canh cải tiến (QCCT ) chủ yếu ở ĐBSCL. Trong tổng số diện tích nuôi tôm nước lợ hiện nay, mô hình nuôi công nghiệp là 129 ngàn ha, trong đó tôm thẻ chân trắng là 94.246 ha, tôm sú là 35.000 ngàn ha; còn lại là các mô hình nuôi tôm sú như: tôm lúa (174.311ha), tôm tôm rừng (47.917ha) và quảng canh/QCCT là 342.933 ha.

Đối với nuôi tôm sú ở miền Bắc và miền Trung có diện tích nuôi lần lượt là 3,6% và 0,9% tổng diện tích nuôi của cả nước và tổng sản lượng chỉ chiếm lần lượt 2,7% và 1,2% so với tổng sản lượng nuôi tôm của các nước. Đối với nuôi tôm thẻ chân trắng ở miền Bắc và miền Trung với diện tích nuôi lần lượt là 4,6% và 2,1% so với tổng diện tích nuôi của các nước và sản lượng chỉ chiếm 6,7% và 8,1%. Các tỉnh miền Nam có tổng diện tích nuôi khá lớn so các tỉnh miền Trung và miền Bắc, diện tích nuôi tôm sú chiếm 95,5% và nuôi tôm thẻ chiếm 77,8% so với diện tích nuôi của các nước và sản lượng tôm sú và tôm thẻ lần lượt chiếm 79,4% và 85,2%.

 

 

 

Bảng 1. Diện tích và sản lượng tôm nước lợ được nuôi năm 2016

Vùng

Diện tích thả giống (ha)

Sản lượng thu (tấn)

Tôm Sú

%

Tôm chân trắng

%

Tổng diện tích

%

Tôm Sú

%

Tôm chân trắng

%

Tổng sản lượng

%

Miền Bắc

21.463

3,6

10.325

11,0

31.788

4,6

7.198

2,7

36.858

9,4

44.056

6,7

Miền Trung

5.490

0,9

9.010

9,6

14.500

2,1

3.173

1,2

50.261

12,8

53.434

8,1

Miền Nam

573.460

95,5

74.800

79,4

648.355

93,3

253.482

96,1

306.200

77,8

559.79

85,2

Tổng

600.399

100

94.244

100

694.643

100

263.853

100

393.429

100

657.282

100

 

Năm 2017, tổng sản lượng thu hoạch tôm nước lợ cả năm ước tính đạt 701 ngàn tấn, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 8,9%). Diện tích nuôi tôm sú năm 2017 cũng đạt 595,8 ngàn ha, tăng 1,3% với sản lượng thu hoạch 270,5 ngàn tấn tăng 4,4% so với năm 2016. Nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 110,1 ngàn ha tăng 10,1% và sản lượng thu hoạch đạt 430,5 ngàn tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Giá tôm thương phẩm năm 2017 dao động như sau: Tôm thẻ chân trắng cỡ 60 – 70 con/kg giá từ 120.000 – 130.000 đồng/kg; cỡ 100 – 110 con/kg giá từ 105.000 – 110.000 đồng/kg. Tôm sú cỡ 40 – 50 con/kg, giá từ 210.000 – 220.000 đồng/kg; cỡ 70 – 80 con/kg giá từ 130.000 – 140.000 đồng/kg. Tuy nhiên giá bán từ trang trại giảm sâu ở đầu năm 2018 gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lý do cơ bản là giá thành sản xuất tôm Việt Nam cao hơn so với các quốc gia nuôi tôm như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…Các doanh nghiệp xuất khẩu bị cạnh tranh giá trên thị trường chịu áp lực lớn. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp giảm giá thành sản xuất là vấn đề cần thiết bao gồm lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế. Trong tham luận này, chúng tôi đề cập chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ nuôi.

  1. Phân tích giá thành sản xuất

Hiện này ở ĐBSCL đã và đang tồn tại các mô hình sản xuất tôm chân trắng thương phẩm phổ biến như: mô hình bán thâm canh (MH-BTC-40), mô ình nuôi thâm canh không lót bạc đáy (MH-100-120-KB), mô hình nuôi tôm thâm canh lót bạt hoàn toàn (MH-150-200 LB), mô hình siêu thâm canh không nuôi trong nhà màng (MH-300BKNM) và mô hình nuôi trong nhà màng kín hoàn toàn (MH-300NM). Sau đây chúng tôi phân tích giá thành sơ bộ thông qua phỏng vấn người nuôi từng các mô hình và có sử dụng số liệu nghiên cứu trực tiếp như bảng 2 và hình 1.

Bảng 2. Cấu thành chi phí sản xuất kg tôm thẻ thương phẩm (kích cỡ 30-40 con/kg). Nguồn điều tra 20 mô hình năm 2017 và nuôi trực tiếp.

   

Mô hình nuôi

Các khoản chi

Đơn vị tính

MH-BTC-40

MH-100-120-KB

MH-150-200-LB

MH-300BKNM

MH-300 NM

Thức ăn

% tổng giá sản xuất

60,0

55,5

55,0

50,0

50,0

Công giống

% tổng giá sản xuất

10,0

9,0

9,0

9,0

9,0

Hóa chất/thuốc

% tổng giá sản xuất

5,0

10,0

10,0

5,0

5,0

Năng lượng

% tổng giá sản xuất

10,0

10,0

9,0

12,0

12,0

Khấu hao thiết bị

% tổng giá sản xuất

5,0

5,0

8,0

10,0

18,0

Công lao động

% tổng giá sản xuất

10,0

10,0

8,0

5,0

5,0

Chi phí đo mẫu

% tổng giá sản xuất

0,0

0,5

1,0

1,0

1,0

Tổng

 

100

100

100

92

100

Giá thành*

Đồng/kg

 

 

 

 

 

  • Tính cho kích cỡ tôm nuôi 40-50 con/kg

Hình 1. So sánh cấu thành các chi phí (%) của các mô hình nuôi. Nguồn điều tra 20 mô hình 2017 và nuôi trực tiếp.

Kết quả phân tích giá thành của từng mô hình trên cho thấy cấu tạo giá thành chủ yếu bởi cá yếu tố thức ăn, con giống, hóa chất/thuốc, năng lượng, khấu hao thiết bị, năng lượng và công lao động chiếm % khác nhau của tổng giá thành sản xuất từ các mô hình. % của các khoảng chi phí và giá thành sản xuất khác nhau giữa kích cỡ tôm thu hoạch trong cùng một mô hình.

Chính vì thế, để có giả pháp giảm giá thành tôm sản xuất cần quan tâm đến cấu tạo giá sản xuất và kích cỡ tôm thu hoạch vì tương quan đến các yếu tố kỹ thuật. Nếu tính hiệu quả của mô hình thì tính thêm giá bán theo kích cỡ tôm thu hoạch. Ví dụ như giá bán tôm thẻ chân trắng hiện nay theo theo kích cỡ tôm tương quan thuận với giá bán cao như sau: kích cở tôm từ 51 -100 con/kg giá tăng thêm 500 đồng/kg; 41-50 con/kg giá tăng thêm 1000 đồng/kg; 30-40 con/kg tăng thêm giá 2000 đồng/kg; 25-29 con/kg tăng thêm giá bán 4000 đồng/kg.

  1. Đề xuất các giải pháp công nghệ để giảm giá thành sản xuất
    1. Giảm thức ăn

Chi phí thức ăn chiếm > 50% tổng giá thành ở tất cả mô hình nuôi từ bán thâm canh đến siêu thâm canh. Tìm kiếm các giả pháp để giảm thức ăn cần nên xét trên 02 lĩnh vực: (1) nâng cao hiệu quả sử dụng của thức ăn cho tôm; (2) giảm giá bán thức ăn cho tôm nuôi. Để giải quyết 02 vấn đề trên phải giải quyết các vấn đề toàn bộ từ kinh tế đến kỹ thuật như sau:

Vấn đề nâng cao hiệu quả thức ăn liên quan đến nhiều vấn đề cơ bản như: (1) chất lượng thức ăn, (2) quản lý thức ăn trong ao nuôi, (3) các yếu tố chất lượng nước ảnh hưởng tăng trưởng và hấp thụ chuyển hóa thức ăn, (4) chất lượng tôm giống (nhiễm bệnh hoặc di truyền), (5) tái tạo chất thải thành thức ăn chính trong ao, (6) tăng cường thức ăn tự nhiên. Các vấn đề này được phân tích cụ thể:

Chất lượng và giảm phụ thuộc vào thức ăn ngoại: Hiện nay hầu hết nguồn cung cấp thức ăn cho tôm phù thuộc vào các công ty bán thức ăn cho tôm nuôi chủ yếu là vốn nước ngoài hoặc là liên doanh với Việt Nam. Chất lượng thức ăn khác nhau và giá bán cũng khác nhau. Nhưng đa số đồng loạt tăng giá không theo lộ trình dự báo trước mà theo thị trường. Giá bán cao so với khu vực. Trong khi đó, thức ăn sản xuất trong nước bằng công nghệ tự chủ của Việt Nam hầu như thiếu. Việt Nam nên phát triển và làm chủ được công nghệ này để giảm giá thành ở các quy mô từ nhà máy đến nông hộ. Các trang trại lớn hay hợp tác xã nên có công nghệ sản xuất thức ăn tự cung và tự cấp. Nhà nước cần thành lập tổ chức hiệp hội nuôi hay họp tác xã cho các hộ nông dân được cơ hội mua thức ăn trực tiếp từ các công ty giá thành sẽ giảm từ 10 -30% như các nước trong khu vực từng thành công và không thông qua đại lý như hiện và không phải chịu phí trung gian.

Quản lý thức ăn trong ao nuôi: đa phần người nuôi cho tôm ăn theo chỉ dẫn nhà sản xuất thức ăn. Chính vì thế lượng thức ăn dư thừa ban đầu (1-20 ngày nuôi đầu tiên) rất cao dùng để gây màu nước ao nuôi điều này là không cần thiết. Có thể gây thiệt hại kinh tế và rủi ro bệnh dịch cho tôm trong giai đoạn đầu. Việc quản lý thức ăn trong giai đoạn đầu vừa phải theo chỉ dẫn kỹ thuật chuẩn theo khuyến cáo nhà khoa học sẽ hợp lý hơn. Thay thế lượng thức ăn thừa làm ‘phân’ bằng vật liệu khác có giá rẻ hơn để gây tảo như: phân hóa học, phân hữu cơ và các loại nguyên liệu khác rẽ tiền hơn có đủ dinh dưỡng Nitrogen, Phosphorus, Kali, Carbon…Quy trình chuẩn các nước khác cũng đã thực hiện như thế và đã thành công vì mục tiêu giảm giá thành. Khi tôm lớn có thể giám sát khả năng tiêu thụ thức ăn (> 25 ngày) thì sử dụng sàng cho ăn chuẩn (0.8 m x 0.8 m x 0.1 m dài x rộng x cao) trên diện tích ao nuôi (1 sàng/500 -1000 m2) dù sử dụng phương pháp cho ăn bằng máy hay bằng tay. Qua nghiên cứu cho thấy số lần thức ăn 6-7 lần/ngày sẽ tốt hơn nếu cho ăn  4-5 lần/ngày. Nếu quản lý ao nuôi tốt sẽ giảm thức ăn thừa FCR thấp thì có thể tiết kiệm 10-30% thức ăn và cải thiện chất lượng nước đáng kể. Đặc tính của tôm thẻ chân trắng có thể sử dụng bioflocs làm nguồn thức ăn tiết kiệm 25-35% thức ăn cho tôm nuôi và có thể ương nuôi mật độ cao. Nên tạo bioflocs và phương pháp sử dụng bioflocs trong quá trình ương nuôi cũng đã tăng thêm hiệu quả sử dụng thức ăn đáng kể. Chia giai đoạn nuôi 2-3 giai đoạn là giải pháp tiết kiệm thức ăn cho giai đoạn đầu đáng kể.

Chất lượng nước ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng dụng thức ăn: chất lượng nước được chứng minh ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng tôm, tỷ lệ sống, bệnh và tiêu thụ thức ăn và sử dụng thức ăn. Cụ thể là oxy hòa tan, ammonia, nitrite, hữu cơ, CO2, H2S, kiềm và tỷ lệ khoáng chất (số lượng và chất lượng). Người nuôi phải cần có kiến thức dự đoán được lượng chất thải sinh ra và chuyển biến. Và phương pháp xử lý. Vấn đề này đòi hỏi phải có kiến thức và kinh nghiệm cần được tập huấn kỹ thuật. Trong vấn đề này oxy hòa tan cần đề cập hơn vì dễ ứng dụng. Nghiên cứu cho thấy tôm ở trạng thái no cần oxy cao hơn 4 lần so với tôm đói để chuyển hóa dinh dưỡng từ thức ăn để tăng trưởng. Lượng oxy càng cao khả năng tiêu thụ thức ăn (khả năng bắt mồi) cao hơn so với oxy thấp. Giải pháp cụ thể là lắp đặt hệ thống oxy trong ao thích hợp trong suốt thời gian cho ăn vẫn bảo đảm oxy cao bằng cách sục khí đáy đều trong ao giảm số máy quạt nước trong vòng 1 giờ. Đa số các ao nuôi tôm hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ oxy di trì 24h/24h vì thiếu cơ sở khoa học để tính toán ban đầu về lượng oxy cần và hiệu suất máy cung cấp oxy. Chính vì vậy, việc nghiên cứu chi tiết quỹ oxy hòa tan trong mỗi mô hình cần phải nghiên cứu chính xác sẽ giảm rủi ro. Một giải pháp khác sử dụng sensor (cảm biến) oxy liên kết máy sục khí điều khiển tự động cũng cho hiệu quả cao.

Chất lượng tôm giống: bao gồm 02 vấn đề cần giải quyết đó là nhiễm mầm bệnh và tăng trưởng nhanh do yếu tố di truyền. Đa phần tôm kém tăng trưởng và tỷ lệ sống thấp là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của mô hình. Tôm giống nhiễm mầm bệnh EHP, MBV và IHHNV chiếm tỷ lệ khá cao hiện nay gây chậm lớn nhưng tiêu thụ thức ăn cao. Chính vì đó chất lượng con giống cần phải đảm bảo sạch bệnh nguy hiểm bằng kỹ thuật PCR và mô học kiểm tra trước khi thả giống là cần thiết ở cấp độ vi mô. Cấp độ vĩ mô nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền phải kiểm soát chất lượng con giống ở trại sản xuất giống. Hiện nay, Việt Nam nhập hầu hết tôm bố mẹ chân trắng từ nước ngoài, có thể xác định và khống chế được mầm bệnh. Tuy nhiên, về mặt di truyền thì chưa có cơ sở để kiểm soát. Vấn đề này dẫn đến khi người dân kiểm tra bệnh vẫn sạch các loại bệnh nhưng tôm tăng trưởng kém cũng gây thiệt hại. Một vấn đề nữa, khi đã kiểm tra nguồn giống sạch bệnh và tăng trưởng nhanh nhưng mầm bệnh lây lan theo chiều ngang trong ao nuôi cũng gây thiệt hại. Chính vì thế cần nghiên cứu và phổ biến kỹ thuật phòng chống bệnh cho tôm đặc biệt là EHP, MBV (tôm sú) và IHHNV. Hiện nay quy trình phòng bệnh EHP đã được báo cáo sử dụng ở nước ngoài sử dụng chlorine kết hợp với NaOH vệ sinh ao nuôi lót bạt đã giảm thiểu bệnh chậm lớn do EHP.

Tăng cường thức ăn tự nhiên và tái tạo chất thải sử dụng như nguồn thức ăn bổ sung: tạo chùm sinh học “biofloc” bằng vật liệu rẻ tiền dựa trên tỷ lệ carbon/nitrogen hay carbon/ammonia là vấn đề quan trọng tạo thức ăn tự nhiên và cải thiện chất lượng nước. Thay vì chất thải rắn xả bỏ gây ô nhiễm, chúng cần phải được tái tạo thông qua kỹ thuật lấy chất thải rắn liên tục bằng trống lọc tách thải rắn và tạo thành bioflocs cho tôm ăn bổ sung lượng protein cao (35% protein) và các chất miễn dịch khác như polycharide và asxanthin cho tôm như nguồn thức ăn. Kỹ thuật này thích hợp với các ao nuôi thâm canh và siêu thâm canh.

 

  1. Giảm chi phí tôm giống

Về tổng thể giá thành sản xuất tôm giống tại Việt Nam vẫn còn cao so với khu vực nên giá bán cũng cao. Hầu như tôm bố mẹ sạch bệnh đều nhập ngoại, giá tôm bố mẹ cao cũng gây ảnh hưởng đến cấu thành sản xuất giống. Việc này nhà nước và các doanh nghiệp cần chủ động nguồn bố mẹ thay vì nhập hoàn toàn. Kỹ thuật sản xuất giống vẫn chưa ổn định về tỷ lệ sống và chất lượng tôm giống vẫn chưa bảo đảm sạch bệnh hoàn toàn. Việc này cần phải nghiên cứu nâng cao số lượng và chất lượng tôm giống sản xuất tại trại giống là vô cùng cần thiết.

Đối với nuôi thương phẩm chi phí giống chỉ chiếm 8-10% ở những ao thành công. Tuy nhiên, nó quyết định toàn bộ đến các hoạt động hiệu quả của mô hình. Chỉ tiêu số lượng giống tính trên 1kg tôm thương phẩm cho thấy các ao nuôi đất không lót bạt và ao lót bạt cao hơn nhiều so với ao nuôi siêu thâm canh. Ước tính rằng mô hình MH-100-120-KB (mô hình nuôi không lót bạt) tỷ suất thành công 50 -60% ở kích cỡ tôm thu hoạch 30-40 con/kg thì sử dụng số lượng tôm giống là 75-85 con giống/kg tôm thịt. Trong khi đó ở mô hình nuôi MH-300BKNM cho tỷ lệ thành công 90% tính theo tuần suất cùng kích cỡ tôm thu hoạch thì cần 41-55 con giống/kg tôm thịt. Như vậy sử dụng tôm giống ít hơn 1,5-1,8 lần so với công nghệ MH-100-120-KB. Như vậy có thể nói rằng mô hình siêu thâm canh có tần suất thành công cao hơn so với thâm canh. Việc phát triển công nghệ nuôi cũng góp phần giảm áp lực về nhu cầu tôm giống thì có thể mang lại chất lượng tôm giống cao hơn.

 

  1. Hóa chất/thuốc bổ sung

Chi phí hóa chất, thuốc, chất bổ sung chiếm từ 5 -15% giá thành tôm sản xuất tùy thuộc vào mô hình nuôi. Khi so sánh với các nước khác cùng nuôi tôm thì chí phí hóa chất/thuốc ở Việt Nam cao hơn rất nhiều vì các lý do: (1) mua qua trung gian đại lý đã tăng chi phí từ 30 -100%, (2) quy trình được nghiên cứu chưa thật sự khoa học mà phải dựa vào hóa chất/thuốc thương mại mà không dựa lên chất cơ bản hay là kỹ thuật vật lý, (3) các chất bổ sung thiết yếu trong thức ăn chưa có, (4) sử dụng hóa chất/thuốc và chất bổ sung chưa hợp lý của người nuôi gây ra tăng giá thành, (5) chất lượng hóa chất và thuốc chưa đạt.

Từ các lý do trên, chúng tôi đề xuất rằng cần phải tổ chức sao cho người mua chủ động không thông qua trung gian khá nhiều mà mua từ công ty được giá thấp hơn. Thông thường hóa chất/thuốc có hiệu quả cao thì chiếc khấu cho đại lý trung gian thấp không hấp dẫn cho đại lý trung gian giao dịch và ngược lại thuốc hiệu quả thấp thì đại lý trung gian giao dịch mạnh vì chiếc khấu % cao. Cần chuẩn hóa quy trình công nghệ từ các cấp độ bằng giải pháp khoa học nhất giảm tối thiểu sử dụng hóa chất xử lý. Ví dụ như vai trò vi sinh vật (vi sinh) bổ sung để cải thiện chất lượng nước không cao nó chủ yếu từ nguồn vi sinh trong ao đã tồn tại chỉ cần có giải pháp kích hoạt sẽ đáp ứng mà không cần phải mua vi sinh. Còn có nhiều phương pháp khác không cần sử dụng hóa chất để quản lý chất lượng nước như lọc sinh học…chưa được triển khai. Cơ chế vật lý giảm thiểu ô nhiễm 40% chỉ sử dụng trống lọc thải mà người nuôi chưa được tiếp cận. Ngoài ra nhiều phương pháp khác nhưng chưa được nghiên cứu hợp quy rộng. Nhà nước cần phải ưu tiên hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật không liên quan đến hóa chất cho các đơn vị nghiên cứu và sản xuất để ứng dụng triển khai. Một vấn đề nữa là đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho người nuôi tôm về các giải pháp quản lý chất lượng nước và bệnh để tối thiểu và sử dụng hóa chất/chế phẩm hợp lý nhất có thể thông qua công tác khuyến ngư và tài liệu hướng dẫn một cách hệ thống. Chúng tôi thấy mô hình siêu thâm canh và nhiều giai đoạn đã trang bị các thiết bị tương đối cơ bản cho nuôi thì việc sử dụng hóa chất/chế phẩm giảm rõ rệt đây là vấn đề cần phải tiếp cận.

  1. Năng lượng

Năng lượng sử dụng tiêu thụ cần thiết cho hoạt động nuôi ở các mức nuôi thâm canh khác nhau, có thể so sánh ngang bằng với các nước khu vực. Tuy nhiên giá điện của Việt Nam cao hơn cũng là lý do chính. Một vấn đề nữa là các mạng lưới điện quốc gia phục vụ cho nuôi tôm chưa thể cung cấp đủ cho các hộ nuôi từ đó gây ra hiện tượng sử dụng năng lượng hóa thạch (xăng và dầu) với giá cao thì chi phí tăng cao. Nếu tính Kwh/1kg tôm sản xuất ở mô hình siêu thâm canh thấp hơn mô hình nuôi tôm thâm canh. Vì thế thâm canh hóa cũng là hình thức giảm năng lượng tiêu thụ tính trên kg tôm nuôi vì năng suất cao hơn nhiều lần và tỷ lệ thành công cao. Hệ thống trang thiết bị hiện đại tiêu tốn năng lượng thấp hơn.

Để giảm điện năng tiêu thụ và giá thành sản xuất, chúng tôi đề xuất cần triển khai năng lượng mặt trời, gió tại khu trang trại nuôi sẽ tiết kiệm được 50% điện năng do điện lưới cung cấp. Liên kết và hiện thực hóa vấn đề mua – bán điện cho doanh nghiệp nuôi tôm và điện lực dù luật đã có nhưng chưa thật sự thực hiện. Ưu tiên nghiên cứu phát triển trang thiết bị tiêu thụ điện năng thấp cung cấp phục vụ cho thủy sản. Chính phủ cần xem xét giá điện hiện này cao hơn khu vực cần ưu tiên cho nghề nuôi tôm với giá ưu đãi. Ở tầm vi mô, quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn cũng là giải pháp tối ưu góp phần giảm chi phí năng lượng sử dụng cũng cần quan tâm. Năng lượng sinh học như biogas cũng có thể ứng dụng. Tuy nhiên, số lượng chất thải, tính chất thải phù thuộc vào công nghệ lấy thải rắn. Ước tính nguồn năng lượng này không thể đáp ứng cho sản xuất mà chỉ cho sinh hoạt.

 

  1. Chi phí lao động

Việt Nam đang phát triển về công nghiệp và mức độ thâm canh hóa trong thủy sản khá nhanh dẫn đến khan hiếm nguồn lao động công nghệ cao và lao động phổ thông rõ rệt. Sự phát triển mô hình siêu thâm canh, trang thiết bị hoạt động tốt đã thay thế nhân lực lao động đáng kể so với nuôi bán thâm canh và thâm canh. Nếu tính số giờ lao động/kg tôm thì mô hình siêu thâm canh sẽ nhu cầu nhân lực thấp hơn nhiều từ đó giảm chi phí lao động. Việc này, nước ngoài có vấn nạn hạn chế nguồn lao động đã sử máy móc công nghệ cao đã thành công. Ví dụ như Hà Lan đã sử dụng công nghệ tuần hoàn (RAS) 1 người có thể quản lý và sản xuất 250 tấn cá. Chính vì thế, việc thay thế máy móc vào quy trình công nghệ thâm canh hóa sẽ giảm nhân công đáng kể. Về tầm vĩ mô, nhân lực trình độ cao về nuôi trồng thủy sản cần được đào tạo đủ về chất lượng và số lượng.

 

  1. Chi phí xây dựng

Chi phí khấu hao chủ yếu là trang thiết bị thuê đất và xây dựng công trình. Chính vì thế xác định mô hình sản xuất tối ưu sẽ mang lại tối ưu về chi phí khấu hao. Về mặt công nghệ cho thấy nuôi siêu thâm canh với nhiều giai đoạn sẽ tối ưu hơn vì: (1) diện tích ít, (2) năng suất cao, (3) bền vững năng suất và môi trường và (4) quản lý tốt hơn. Công trình xây dựng nhà màng kính hiện này không thích hợp cho ĐBSCL và chỉ thích hợp cho Miền Bắc và Bắc Miền Trung vì nhà màng không thể gọi là “công nghệ” nó chỉ là cơ sở hạ tầng. Nhà màng kính đóng vai trò ổn nhiệt và hạn chế lây lan mầm bệnh do vi rút xâm nhập. Tuy nhiên, xây dựng mà màng 7-9 tỷ/ha tăng chi phí khấu hao 15% của giá thành tôm sản xuất mà chỉ giải quyết được một vấn đề hạn chế lây lan mầm bệnh do virus. Trong khi đó, bệnh do vi khuẩn vẫn xảy ra và công nghệ sử dụng bên trong nhà màng không được chú ý và chưa đáp ứng được dẫn đến gây hoang phí. Một cơ sở hạ tầng mang lại tối ưu hơn là nhà màng che bằng lưới ít tốn kém hơn và có thể áp dụng cho mọi cấp độ nuôi khác nhau mang lại thành công hơn về mặt an toàn sinh học, năng suất, kiểm soát khí thải hoàn lưu và kích thích được tảo phát triển, tôm thích ứng nhanh mà chi phí thấp chỉ 1 tỷ/ha dẫn đến chi phí khấu hao thấp. Chính vì thế, cơ sở hạ tầng nuôi tôm siêu thâm canh ở ĐBSCL không cần thiết xây dựng nhà màng kính như hiện tại.

  1. Những vấn đề khác góp phần giảm giá thành và hiệu quả kinh tế

Để đạt được hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm hiện nay cần phải áp dụng tổng hợp các giải pháp kỹ thuật, tổ chức và kinh tế.

Chọn mô hình: Từ phân tích nhược điểm và ưu thế của từng mô hình cho thấy mô hình nuôi siêu thâm canh trong nhà màng lưới chia nhiều giai đoạn của chu trình sản xuất mang lại tối ưu và mô hình nuôi bán thâm canh.

Kích cỡ và tầng suất thu hoạch: Kích cỡ tôm thu hoạch lớn (30-40 con/kg) mang lại hiệu quả nhất cùng với phương thức thu hoạch 3 lần (thu tỉa) cụ thể thu tỉa ở kích cỡ tôm 80 con/kg 30% sản lượng của ao cho lần 1, và tiếp tục thu tỉa lần 2 khi tôm đạt 40 -45 con/kg 30% tổng sản lượng tôm và thu tỉa lần 3 là lần thu hoạch cuối cùng. Ưu điểm của thu hoạch này là tái tạo vòng quay vốn nhanh, hệ thống chuyển đổi thức ăn thấp, tôm tăng trưởng nhanh, ít chịu sức ép về môi trường và chi phí nhân công, chi phí thuốc hóa chất, năng lượng, chi phí thức ăn giảm đáng kể, giá bán cao và ít rủi ro.

Đầu tư về máy móc và thiết bị: đầu tư máy móc cải thiện chất lượng nước, xử lý chất thải, cho ăn, giám sát hoạt động nuôi… tạo cho sự bền vững và ít phụ thuộc đến nhân công lao động phổ thông mang lại thành công cao hơn.

  1. Kết luận

Để giảm giá thành sản xuất trang trại nuôi tôm cần lưu ý đến các vấn đề sau:

  • Lựa chọn mô hình siêu thâm canh nhà màng lưới và bán thâm canh
  • Nuôi nhiều giai đoạn
  • Đầu tư thiết bị máy móc và công nghệ hơn là xây dựng cơ sở hạ tầng
  • Kế hoạch thu hoạch thích hợp: thu tỉa nhiều lần và kích cỡ thu hoạch phù hợp
  • Con giống chất lượng tốt đáp ứng
  • Phát triển kỹ thuật ương giống chất lượng cao
  • Chất lượng thức ăn tốt và số lượng cho ăn phù hợp
  • Nội địa hóa tôm bố mẹ sạch bệnh và tăng trưởng cao bằng các chương trình nghiên cứu và ứng dụng
  • Phát triển công nghệ nuôi tôm khoa học hơn, không dựa lên sản phẩm thương mại bền vững về năng suất, hiệu quả và không ô nhiễm môi trường
  • Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thức ăn ở các quy mô khác nhau và nội địa hóa thức ăn
  • Đào tạo, chuyển giao và phổ biến kiến thức khoa học nuôi tôm chi tiết và cơ bản ở các công đoạn áp dụng thực tiễn
  • Đào tạo đầy đủ số lượng và chất lượng nhân lực lao động
  • Phát triển nguồn năng lượng mặt trời và có chính sách ưu đãi về giá điện cũng như mạng lưới điện nhằm hạn chế năng lượng hóa thạch
  • Liên kết giữa nhà sản xuất/dịch vụ với người nuôi tôm hợp lý
  • Phát triển các chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm
  • Tăng cường quản lý nhà nước về chế phẩm, tôm giống và quản lý chất thải                                                                                                                                                                                                          TS. Nguyễn Nhứt

các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm giảm giá thành sản xuất

các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm giảm giá thành sản xuất

các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm giảm giá thành sản xuất

các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm giảm giá thành sản xuất

các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm giảm giá thành sản xuất
các giải pháp kỹ thuật nuôi tôm giảm giá thành sản xuất
Sản phẩm liên quan
CALL
SMS
Chỉ đường